InSÁCH

[Review sách] GIẾT CON CHIM NHẠI – Harper Lee

review sách giết con chim nhại harper lee

GIẾT CON CHIM NHẠI
(NON-SPOIL)

“Giết con chim nhại” là quyển sách kinh điển ra đời vào năm 1960 khi nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ đang diễn ra cực kì nặng nề. Sự kiện chính của câu truyện là quá trình Atticus Finch, một luật sư da trắng, cố gắng bảo vệ một người da đen với tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng, qua lời kể của Scout Finch, một cô bé vừa vào tiểu học.

Tác giả: Harper Lee
Dịch giả: Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương
Năm xuất bản: 2018 (ở Việt Nam, bản dịch đầu tiên xuất bản vào 1973 nhưng không hoàn thiện, bản dịch sau cùng xuất bản vào 2008), xuất bản ở Mỹ vào 1960
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Công ty phát hành: Nhã Nam
Số trang: 419
Genre: Fiction, Historical Fiction, School, Classics
Rating: 4.5/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!

Câu truyện diễn ra trong vòng 3 năm, nửa đầu truyện là những chuỗi vui chơi, quậy phá của Scout, Jem và Dill nên có phần hơi chán. Lồng vào đó là những lời dạy bảo của bố Atticus, đó cũng chính là điểm sáng trong truyện. Nửa sau gây cấn hơn là những sự kiện xoay quanh việc bào chữa cho Tom Robinson của Atticus.

Atticus nhận vụ kiện đó và cố gắng vì nó không đơn giản chỉ vì đó là việc anh phải làm, mà còn vì các con của anh, để anh có thể thẳng thắng nhìn lại các con của mình, mặc cho sự dè bỉu của cả hạt Maycomb, mặc cho việc ông đã biết trước mình gần như không có cơ hội chiến thắng. Với mình bố Atticus thật sự là một quý ông, từ cách ông hành xử, từ cử chỉ và thái độ của ông trong mọi tình huống, đến cả cách ông dạy Jem và Scout trong một xã hội như lúc bấy giờ, lời dạy của ông không chỉ dành cho Jem và Scout mà còn cho tất cả mọi người, trong rất nhiều tình huống. 

“Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ, nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người.” bố Atticus

Hình ảnh con chim nhại trong tác phẩm

Với Atticus, giết một con chim nhại là tội ác, bởi vì nó chẳng làm gì cả ngoài việc đem lại tiếng hót cho đời. Trong câu chuyện này, và cả xã hội hiện thực lúc bấy giờ nữa, con người đã giết rất rất nhiều “con chim nhại”. Chưa kể đến cách những người da đen bị đối xử bất công thậm tệ mặc dù họ sống cả đời lương thiện,  khiến họ tin rằng đó là cách đối xử hiển nhiên mà họ phải nhận lấy, mà còn cả những đứa trẻ da trắng được sinh ra ở thời kì đó, chúng bị uốn nắn, dạy dỗ ngay từ nhỏ về việc nên phân biệt đối xử với người da đen, với mình đó cũng là việc giết hàng loạt “con chim nhại”. 

Câu truyện còn cho ta hiểu thêm về sự cô đơn của những đứa trẻ lai bởi vì “chúng không thuộc về bất cứ đâu.”

Cuối cùng trẻ em là những người gánh chịu hậu quả của một xã hội được tạo thành bởi những người đi trước, rồi khi chính những đứa trẻ đó lớn lên chúng lại dạy cho những đứa trẻ của chúng về cuộc đời mà chúng đã từng sống, thế hệ nối tiếp thế hệ. Chúng không có lỗi, nói đúng hơn là chúng thật đáng thương.

review sách giết con chim nhại harper lee flowersandbooks.com

George Stinney – Câu chuyện có thật về sự đáng sợ của nạn phân biệt chủng tộc

Câu truyện khiến mình nhớ đến cậu bé bị tuyên án tử hình nhỏ tuổi nhất nước Mỹ thế kỉ 20. George Stinney, một cậu bé người Mỹ gốc Phi, bị tuyên án tử hình vì tội giết 2 cô bé da trắng sau một phiên toà chỉ diễn ra 3 tiếng đồng hồ bởi một bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên da trắng, án tử được đưa ra chỉ sau 10 phút. Cậu bé khi đó chỉ mới 14 tuổi, cậu thậm chí còn không đủ cao để ngồi vừa chiếc ghế điện. Và cậu đã được minh oan, sau cái chết của cậu 70 năm. Đây chỉ là một câu chuyện nhỏ trong rất nhiều câu chuyện thương tâm đầy máu và nước mắt khác liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc.

Sự thành công của “Giết con chim nhại” đã khiến nó trở thành tác phẩm cuối cùng của Harper Lee

Harper Lee đã thành công ngay từ đầu khi chọn Scout Finch là người kể chuyện, một cô bé mới vào tiểu học, cô bé đưa ra nhiều câu hỏi ngây ngô nhưng đánh trúng vào tâm lí con người. Cô cũng thành công trong việc đặt mình vào tâm lí và cách nhìn thế giới xung quanh mình của một đứa trẻ 6 tuổi.

“Giết con chim nhại” (1960) là tác phẩm duy nhất của Harper Lee cho tới 2015 bà xuất bản thêm quyển “Go set a watchman” được viết trước đó (195x). Điều đó có nghĩa là sau “Giết con chim nhại” Harper Lee không viết thêm một quyển nào khác, nó thành công đến nỗi Harper không hài lòng với bất kì cuốn tiểu thuyết nào sau đó của bà. Cái bóng của nó quá lớn, chính bà đã trả lời rằng “Tôi sợ. Khi bạn đã ở trên đỉnh rồi thì chỉ còn một hướng để đi tiếp thôi.”, phải chăng bà sợ rằng bà sẽ không thể vượt qua được Harper Lee? điều đó khiến bà không thể viết một cách tự do được nữa. Mình thật sự ước gì Harper Lee có thể vờ đi thành công của “Giết con chim nhại” và can đảm hơn mà viết tiếp. 🙁 

“Love is power, people are power.”

Một câu nói của bố Atticus mà mình rất thích: 

“Đơn giản bởi vì cho dù chúng ta bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.” 

Bởi vì nếu chúng ta không cố gắng thì chắc chắn chỉ có một kết quả là thua cuộc.

Khi kết thúc phiên toà, có lẽ chỉ có trẻ con là những người rơi nước mắt mà thôi… bởi chúng dần nhận ra được sự đáng sợ ở phiên toà của Tom Robinson, ở chính những con người mà chúng gặp gỡ hằng ngày, ở chính cái xã hội mà chúng đang sống.

Nhưng không mọi chuyện đã kết thúc như vậy, Atticus và những người ủng hộ ông đã đi được một bước.

“Và cô thầm nghĩ, chính chúng ta đã bước được một bước… chỉ một bước ngắn, nhưng đó là một bước.” – cô Maudie

Và giờ đây chúng ta đã làm được, giải phóng nô lệ, xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, đòi lại quyền bình đẳng cho người da màu. Mặc dù vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn nạn phân biệt chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo,… và hiện tại chúng ta cũng đang đấu tranh cho nạn phân biệt giới tính nữa, nhưng những kết quả đạt được đã cho ta thấy sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của con người nếu chúng ta đừng bỏ cuộc, từng bước đi nhỏ sẽ tạo thành một chặng đường dài. Con người tạo ra ranh giới nên con người phải xóa bỏ nó, vì:

“Em nghĩ chỉ có một loại người thôi. Đó là người” – trích lời tranh luận của Scout với Jem

 

 

 

0

You may also like

Leave a Reply