Chiến binh cầu vồng
(NON-SPOIL)
Tác giả: Andrea Hirata
Dịch giả: Dạ Thảo
Năm xuất bản: 2015 (2005 ở Indonesia)
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Nhã Nam
Số trang: 424
Genre: Fiction, Adventure, Young Adult, Childrens, Education, Inspiration
Rating: 5/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
Tóm tắt:
“Chiến binh cầu vồng” là những câu truyện đẹp đẽ, hài hước nhưng đầy cảm động về tình bạn đẹp, tình yêu trong sáng tuổi học trò, tình thầy trò cao quý và cả tình cảm gia đình thiêng liêng xoay quanh trường tiểu học Hồi giáo Muhammadiyah – ngôi trường nghèo nhất và lâu đời nhất ở Belitong, một hòn đảo nhỏ thuộc Indonesia. Nổi bật nhất là quá trình vượt khó học tập trong nghèo khổ và sự cố gắng, đấu tranh bền bỉ để giữ trường học không bị đóng cửa của thầy Harfan, cô Mus và 11 học sinh (những chiến binh cầu vồng) ở nơi đây. Quyển sách còn cho ta thấy cuộc sống nghèo khổ, cơ cực của tầng lớp lao động thấp ở Belitong cũng như hiện thực tàn nhẫn của cái nghèo.
Quyển sách này thật sự đã làm mình cay mắt rất rất nhiều lần. Nếu nói chính xác số lần sợ làm bạn hết hồn luôn á vì mình mau nước mắt lắm 😥 . Nếu ai đó yêu cầu mình miêu tả quyển sách này trong một câu thì đó sẽ là:
“Chiến binh cầu vồng” là một quyển sách nhỏ nhưng chứa đựng rất nhiều nghị lực phi thường.
1. Nghị lực của những chiến binh cầu vồng – những chiến binh can trường, mạnh mẽ, luôn sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh dẫu cuộc sống có cơ cực, nghèo túng cũng không than thân trách phận. Để được đi học, buổi sáng các em đến trường, buổi tối phải làm cu li để đỡ đần tài chính gia đình; mặc cho ngôi trường xập xệ có thể đổ sập bất cứ lúc nào; mặc cho trời mưa các em phải vừa cầm dù vừa học nhưng cả lớp vẫn không để buổi học bị gián đoạn… Dù sống và học tập trong điều kiện khó khăn nhưng những thứ đó chưa bao giờ làm khó các em mà ngược lại còn khiến các em yêu trường, yêu lớp, tích cực học hỏi và tiếp thu tri thức hơn. Các em là những minh chứng cho câu ngạn ngữ “Những thứ không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.”
2. Nghị lực của thầy Harfan và cô Mus – những con người có “tấm lòng bao la như trời biển”, cống hiến, hy sinh cả đời mình cho giáo dục. Mình thật sự cảm phục và ngưỡng mộ 2 con người này. Đoạn khiến mình cảm động nhất là lúc thầy Harfan và cô Mus đi tìm từng đứa học sinh về và thuyết phục chúng đừng bỏ học. Cô Mus dám đứng lên thách thức cả Vua Thiếc (thế lực giàu nhất, quyền lực nhất Belitong) để bảo vệ ngôi trường. Thầy Harfan và cô Mus cố gắng như vậy là vì họ biết rằng họ không chỉ là thầy cô đứng trên lớp để truyền dạy kiến thức cho các em mà còn đang thắp lên niềm hy vọng cho các trẻ em nghèo khổ ở Belitong và thay đổi niềm tin của cả một thế hệ, niềm tin vào các trường làng, niềm tin vào việc học tập, niềm tin rằng tương lai của chúng còn có thể vươn xa hơn nữa chứ không dừng lại ở các trại cùi dừa, ở các vườn tiêu, nhà máy,…
“Cô sẽ không bao giờ đánh đổi các em để lấy bất cứ thứ gì!” – cô Mus
“Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.” – một ý niệm đẹp về giáo dục của thầy Harfan
3. Nghị lực của những bậc cha mẹ bị mắc kẹt vào cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác đến nỗi việc đủ ăn đủ mặc đối với họ đã là một điều xa xỉ. Mặc dù vẫn còn nhiều hoài nghi vào giáo dục nhưng họ vẫn cố hết sức lo cho con em mình, đặt hết niềm tin vào chúng với hy vọng cuộc đời chúng sẽ khá khẩm hơn. Nổi bật trong quyển sách này là ba mẹ của Lintang, trái tim bạn sẽ tan chảy ngay từ những chương đầu câu truyện. 😥
Câu truyện điển hình của những giấc mơ bị chôn vùi bởi sự trớ trêu của số phận
Trong “Chiến binh cầu vồng”, những đứa trẻ nói riêng, tầng lớp lao động làm thuê nghèo khổ nói chung, không phải họ không có ước mơ, mà là không dám ước mơ. Bởi có đi chăng nữa thì ước mơ của họ không đơn thuần chỉ cần nỗ lực mà còn phụ thuộc chính yếu vào số phận, vào may mắn (để được cắp sách đến trường, để được học hành.) Ví dụ điển hình là câu chuyện của Lintang, câu chuyện mà bất cứ ai đọc đến cũng thấy thật xót xa. Đó là câu chuyện của một thần đồng thông minh, ham học hỏi, mỗi ngày đạp xe hơn 40km để được đến trường, dù trời mưa, dù xe hư, dù phải đánh đổi cả tính mạng vượt qua đầm lầy cá sấu cậu vẫn không vắng một buổi học nào. Dù cho trường học đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, cậu vẫn đứng đó động viên mọi người “Đừng bỏ học, Boi. Đừng!”. Chính Lintang đã truyền động lực cho những đứa trẻ khác dám ước mơ, vậy mà cái nghèo, cái số phận trớ trêu ấy nỡ lòng nào chôn vùi tất cả giấc mơ và hoài bão của cậu.
“Không, thưa cô. Sáng nay em suýt bị một con cá sấu nuốt vào bụng rồi. Em không đợi được đâu. Xin cô giải thích hết ngay bây giờ luôn đi.” – Lintang
Cách kể chuyện lôi cuốn cùng lời văn mộc mạc, gần gũi và dễ thương
Một điều mình phải nói đến ở đây là lời văn rất hay và “đẹp”. Tác giả sử dụng nhiều hình tượng miêu tả hấp dẫn, độc đáo, lời văn nhẹ nhàng, mộc mạc, dễ thương, chân thực trong từng câu chữ như lời tâm tình rất đỗi tự nhiên và thân tình của tác giả.
Câu truyện được chia làm 48 chương, mỗi chương là một mẫu chuyện nhỏ xíu nên đọc không chán, mình luôn tự nói với bản thân “Ít mà, thêm 1 chương nữa thôi!” và cứ lặp lại câu nói đó 10 lần như thế. 🙄
Ngoài ra câu truyện còn khéo léo lồng ghép những mẫu chuyện nhỏ cho ta biết thêm đôi điều sơ lược về lịch sử, nét văn hoá, lễ hội và đời sống của các tộc người Belitong.
Mặc dù một vài chi tiết của câu truyện được mô tả hơi quá, nhưng chung quy lại cả câu truyện và kết thúc truyện rất thực khi nói về những hiện thực phủ phàng trong cuộc sống: chủ nghĩa thực dụng, sự cám dỗ của đồng tiền, hiện thực tàn nhẫn của cái nghèo, sự phân biệt giàu nghèo và sự bất công. Nhưng dù cuộc sống có ra sao thì những bài học đẹp của thầy cô và bạn bè dưới mái trường Muhammadiyah cũng sẽ theo dấu các em trên bước đường hình thành nhân cách của chính mình.
“Nhưng điều tôi biết chắc từ những năm tháng học tại ngôi trường nghèo khó ấy là một cuộc sống làm lụng vất vả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó, cuộc sống không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai con mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy.”
Mình chợt nhớ đến một câu nói của Bill Gate mà mình rất tâm đắc vì thấy nó rất đúng, đại khái là có lao động thì cuộc sống này mới trở nên ý nghĩa và có mục đích. Vậy nên, hãy cùng cố lên nhé! 😀
Quyển sách này đến với mình thật đúng thời điểm, nó đã truyền động lực cho mình rất nhiều, nó cũng cho mình thấy mình đã may mắn biết nhường nào.
NOTE: Còn một quyển sách nữa mình từng đọc nói về vấn đề giáo dục cũng rất hay và dễ thương là “Totochan bên cửa sổ” của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko Nếu bạn có hứng thú thì hãy tìm đọc nhé!
Xem thêm bài review “Totto-chan bên cửa sổ” tại đây!
Còn nếu bạn đã đọc Tottochan rồi và phải lòng với nó thì chắc chắc bạn sẽ thích quyển sách này.
Chúc bạn đọc sách vui vẻ!