Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya
(NON-SPOIL)
Tác giả: Higashino Keigo
Dịch giả: Phương Nam
Năm xuất bản: 2016 (2012 ở Nhật)
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: Nhã Nam
Số trang: 358
Genre: Fiction, Mystery, Fantasy, Japanese Literature
Rating: 5/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
Tóm tắt:
“Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya” của Higashino Keigo là câu chuyện kỳ ảo-giả tưởng về một sợi dây vô hình kết nối Tiệm tạp hoá Namiya và Trại trẻ mồ côi Marumitsu lại với nhau, một nơi kết nối giữa quá khứ và tương lai. Tiệm tạp hóa Namiya là nơi nhận tư vấn, gỡ rối tơ lòng của mọi người, bắt đầu bằng những câu hỏi đùa của bọn trẻ, nhưng được ông Namiya trả lời rất tận tâm, từ đó bắt đầu có những bức thư nhờ tư vấn nghiêm túc, về những khúc mắc trong lòng, về những bâng khuâng trước những lựa chọn của bản thân, hay đơn giản chỉ là để nói ra cho nhẹ lòng.
Mọi sự việc và các nhân vật trong câu truyện đều có mối liên kết với nhau. Những sự kiện trong quá khứ, hiện tại và tương lai được Keigo sắp xếp khéo léo nên mặc dù chuyển biến liên tục giữa hiện tại và quá khứ nhưng vẫn khiến người đọc dễ dàng theo kịp sự dịch chuyển của thời gian. Có khá nhiều nhân vật xuất hiện trong câu chuyện, mỗi nhân vật đã được Keigo miêu tả diễn biến tâm lí, những bâng khuâng trong lựa chọn, những mâu thuẫn lí trí và tình cảm rất cụ thể như thể ông đã đặt chính mình vào nhân vật, đó cũng là điều mình thích ở Keigo. Một cuốn sách dễ thương, nhẹ nhàng, hài hước, giả tưởng, kì bí nhưng thấm đẫm tình người cùng với những triết lí sâu sắc. Có thể nói đây là quyển sách nhẹ nhàng nhất và khác biệt hẳn so với các tác phẩm khác của Keigo mà mình từng đọc qua, không máu me, không dằn vặt, nhưng vẫn mang màu sắc của một tác phẩm trinh thám (logic, cuốn hút, bất ngờ) và đậm văn phong của Keigo. Sau đây là những bài học quý báu mà mình đã học được từ “Tiệm tạp Hóa Namiya”, phần này sẽ dễ hiểu hơn khi bạn đã đọc tác phẩm rồi nhé!
[Giá trị của lòng biết ơn.]
Ba tên trộm đang trên đường chạy trốn thì phát hiện một tiệm tạp hoá bị bỏ hoang rồi bất đắc dĩ trở thành người tư vấn thay ông Namiya, và trở thành phần quan trọng trong sự biến chuyển này, sự biến chuyển của cuộc đời người khác lẫn diễn biến nội tâm trong chính những tên trộm.
Có được sự biến chuyển đó là vì họ đã được cảm ơn một cách chân thành, lời cảm ơn đó cho họ biết rằng họ cũng có thể giúp đỡ được ai đó. Do đó họ đã duy trì tư vấn, không bỏ mặc những người tiếp theo đang mắc kẹt trong chính vấn đề của mình.
Đó là một phần lí do vì sao việc bày tỏ lòng biết ơn thật sự quan trọng. Nó khuyến khích và duy trì lòng tốt, nó chuyển biến nội tâm thậm chí cứu cả một tâm hồn.
Trích một câu của đại đức Hae Min trong quyển “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”:
“Khi sống, càng cảm thấy biết ơn người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc.
Vì khi ấy, bạn biết rằng mình đang “sống giữa những con người gắn bó với nhau.”
Chứ không phải là kẻ bị bỏ rơi trơ trọi trên thế giới này.
Khi biết ơn người khác, bạn sẽ tiến đến gần chân lí của con người hơn.”
[Sự chân thành mặc dù ngu ngốc nhưng chắc chắn sẽ chạm đến nơi sâu thẳm nhất trong trái tim con người.]
Còn một điều gây ấn tượng với mình trong “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya” là việc ông chủ tiệm tạp hoá Namiya trả lời các bức thư hết sức nghiêm túc, tận tâm và chân thành. Có lần bị đùa cợt, trong một buổi tối hơn 30 thư nhờ được tư vấn của cùng một người được gửi đến, nội dung toàn những điều vớ vẫn nhưng ông vẫn kiên nhẫn trả lời hết từng bức thư đơn giản vì “không thể phớt lờ tiếng lòng của người khác được.”, sau đó người đó đã gửi lại một lá thư cảm ơn và xin lỗi. Ông thậm chí còn trả lời một lá thư không có chữ hết sức chân thành. Thế nhưng chính sự chân thành và đôi khi là ngu ngốc lại có thể chạm đến trái tim con người. Mình chợt nhớ đến một câu thế này:
“Kindness is the language the blind can see and the deaf can hear.” – Mark Twain
Và lòng tốt gieo rắc lòng tốt. Một hành động tử tế sẽ tạo ra một hành động tử tế khác.
[Hãy can đảm theo đuổi ước mơ và đam mê của mình.]
Ngoài việc đứng ở ngã ba đường, những người đến với Tiệm tạp hoá còn là những người đều ấp ủ trong mình những ước mơ nhưng không có can đảm để bắt đầu. Và tiệm đã thành công trong việc khơi gợi lại những khao khát trong họ và truyền cho họ động lực để theo đuổi ước mơ. Nhưng ước mơ họ trở thành sự thật là vì họ đã dám bước tiếp. Vì có đi thì mới có thể đến được nơi cần đến. Một triết lí hay từ “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hoá Namiya”: [Đa phần người hỏi vốn đã có câu trả lời, chỉ là họ muốn người tư vấn xác nhận lại một lần nữa và có động lực hơn để thực hiện mà thôi. Câu trả lời có tác dụng hay không là do ý chí của bản thân người đó.]
Nếu bạn vẫn còn chần chừ điều gì đó, mình xin trích dẫn một câu của Elizabeth Grilbert trong quyển “Big Magic” của cô:
“A plan executed imperfectly now, is better than a plan executed meticulously never.” – Elizabeth Gilbert (Một kế hoạch không hoàn hảo được thực hiên bây giờ, tốt hơn một kế hoạch tỉ mỉ nhưng không bao giờ được thực hiện)
“Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.” – Namiya Yuji
[“Chúng ta sống và nhận thức thế gian chỉ qua ống kính tâm hồn của chính mình mà thôi.”- Hae Min, bước chậm lại giữa thế gian vội vã]
Mẫu chuyện mình thích nhất là mẫu chuyện của Kousuke: bố cậu vỡ nợ nên quyết định đưa cả gia đình đi trốn, cùng thời điểm đó nhóm nhạc Beatles quyết định giải tán nhóm, lúc xem bộ phim Let it be khi đó anh chỉ thấy tâm trí của các thành viên trong nhóm đã rời xa nhau, do định kiến về gia đình nên anh đã không còn tin vào sự gắn kết của trái tim nữa. Sau này khi đã hiểu ra mọi chuyện, cảm xúc khi xem lại bộ phim Let it be lúc cũng thay đổi hoàn toàn khác.
Thế giới chúng ta nhìn thấy vốn không phải là bản chất thật của nó, mà là hình ảnh phản chiếu lại tâm hồn ta. Thế nên trước khi điều chỉnh thế giới, hãy điều chỉnh tâm điểm ống kính của tâm hồn mình.
Xem thêm những tác phẩm khác của Higashino Keigo
BẠCH DẠ HÀNH
PHÍA SAU NGHI CAN X
NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI CÁ SAY NGỦ
ÁC Ý
[Hãy biết ơn người cho ta lời khuyên nhưng cũng đừng quên cảm ơn chính bản thân mình.]
Đọc câu truyện này các bạn sẽ thấy trách nhiệm nặng nề của người tư vấn tự đặt ra cho chính mình, vì họ sẽ phải chịu trách nhiệm với từng lời nói của mình, họ sợ bản thân sẽ phá huỷ cuộc đời của ai đó, sợ ai đó vì nghe theo lời mình mà trở nên bất hạnh. Việc gánh cả nỗi bất hạnh của ai đó vốn dĩ là một việc chẳng dễ dàng, bởi nỗi bất hạnh của bản thân đôi khi cũng đủ phá vỡ tinh thần của chúng ta rồi, vậy mà vẫn có những người chấp nhận làm việc đó. Đó có thể là bác sĩ tâm lí, gia đình, thầy cô, bạn bè hay thậm chí bất kì ai xa lạ ngoài kia, dù kết quả có như thế nào mình cũng luôn cảm thấy biết ơn họ.
Khi đã vượt qua được mọi chuyện ta rất biết ơn người tư vấn vì đã đưa ra một lời khuyên hữu dụng, nhưng thật ra, người vượt qua mọi chuyện là chính bản thân bạn. Nên hãy cảm ơn cả chính bản thân nữa. Vì đã không bỏ cuộc.
“Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi.” – Namiya Yuji
Những bài học thật đẹp,
cảm ơn Tiệm tạp hoá Namiya,
cảm ơn Higashino Keigo.
5 Comments
Táo ???
“Điều kỳ diệu ở tiệm tạp hoá Namiya” là cuốn sách hay nhất mình từng đọc, gần như là tượng đài trong lòng mình luôn. Cảm ơn page, bài viết của page rất hay.
April 17, 2020 at 15:58Yến Nhi
Chào Táo,
April 22, 2020 at 09:30Mình rất vui vì bạn đã đọc hết review của mình.
Comment của bạn thật sự đã truyền động lực cho mình tiếp tục bước tiếp rất nhiều.
Cảm ơn Táo <3!
Hãy giữ gìn sức khỏe Táo nhé!
Yến Nhi
À, “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” cũng là một trong những quyển sách yêu thích nhất của mình đó, hay thật sự luôn.
April 22, 2020 at 09:47trang
Với tất cả sự yêu quý và trân trọng cái sự đọc và chia sẻ sách của bạn
December 31, 2020 at 08:42Yến Nhi
Xin lỗi bạn vì mình rep comment chậm thế này vì nửa năm qua bận quá hic 🙁 Comment của bạn truyền động lực lại đọc và review tiếp cho mình rất nhiều. Cảm ơn bạn nhiều lắm ạ! Tình hình dịch lại phức tạp, bạn và gia đình giữ gìn sức khỏe nha! <3
May 10, 2021 at 10:56