GỖ THẦN
(NON-SPOIL)
Tác giả: Lưu Khánh Bang
Dịch giả: Minh Thương
Năm xuất bản: 2019
Công ty phát hành: Nhã Nam
Nhà xuất bản: Hội nhà văn
Số trang: 164
Genre: Fiction, Crime, Thriller
Rating: 3/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
“Than đương nhiên là có hồn. Trước đây nơi này không gọi than là than, cậu có biết gọi là gì không?
Không biết.
Gọi là gỗ thần.”
“Gỗ thần” được viết năm 1999, dựa trên câu chuyện có thật về những vụ án lừa gạt giết người để moi tiền chủ mỏ ở các mỏ than Trung Quốc năm 1998, số người chết lên đến hàng trăm người. Tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim mang tên “Giếng mù”.
Quyển sách tái hiện lại một Trung Quốc âm u, tăm tối, nơi gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai những con người lao động nghèo khổ, buộc phải xa quê để nuôi sống cả gia đình, nơi đồng tiền ngự trị và làm chủ tâm trí con người, để rồi bị tha hoá và trở nên tàn nhẫn. Trong “Gỗ thần”, đó còn là cuộc chiến giữa thiện và ác trong lương tâm của con người. Lưu Khánh Bang đã giúp người đọc thấy rằng, dù là “con mồi” hay “kẻ đi săn” thì họ đều phải mưu sinh để nuôi sống gia đình, ở quê hương vẫn có những người mòn mỏi chờ đợi họ trở về, để một đứa trẻ được tiếp tục đến trường thì đâu đó ngoài kia một số phận khác phải chấm dứt việc học.
Lời văn rất thật, thật đến thô, nhưng nhờ vậy mà nó dễ dàng tạo cảm giác chân thật cho người đọc về bối cảnh đen tối lúc bấy giờ.
Quyển sách chỉ có 164 trang – mình đọc chỉ trong vài tiếng, nhưng đủ để tạo cảm giác nặng nề sau khi đọc, một phần vì diễn biến câu truyện, một phần vì biết nó dựa trên sự kiện có thật, nhưng lại quá tàn nhẫn và xót xa…
Qua cái kết của “Gỗ thần”, Lưu Khánh Bang đã chỉ ra rằng, việc trở nên nhẫn tâm hay không vốn là lựa chọn của con người, có những người dù bị đẩy đến bước đường cùng, họ vẫn giữ vững bản tính lương thiện của mình. Dù vẫn thấy tiếc cho Vương Phong, nhưng nhờ vậy mà cái vòng luẩn quẩn mới có thể kết thúc. Tác giả cũng đã mở ra một tia hy vọng về sự ăn năn và thiện tính của con người nơi hầm mỏ tăm tối không lối thoát.
Triệu Thượng Hà từng hỏi ngược lại Vương Phong: “Xã hội người tốt nhiều hay người xấu nhiều?”, cậu đã trả lời rằng: “Cháu thấy người tốt vẫn nhiều hơn.”
Mình không biết liệu sau này Vương Phong có thể tự tin trả lời câu hỏi đó như trước nữa hay không. Nếu mình là em, khi đã kinh qua mọi chuyện, hẳn mình sẽ chẳng thể trả lời, vì lúc đó mình thật sự không biết, rằng người tốt hay người xấu nhiều hơn.
Bỗng mình chợt nhớ đến một câu nói của Lý Tư Viên trong “Cuộc đời rực rỡ đừng sống không màu”:
“Đôi lúc không thể trách xã hội quá thực tế, chỉ có thể trách những việc mà chúng ta có lòng nhưng không đủ sức quá nhiều.”