InSÁCH

[Review sách] MUÔN KIẾP NHÂN SINH – Nguyên Phong

Muôn kiếp nhân sinh

Muôn kiếp nhân sinh

Bài viết của mình có 4 phần chính: những cơ duyên dẫn đến sự ra đời của “Muôn kiếp nhân sinh”; nội dung chính, những giả thuyết, góc nhìn mới được đề cập trong tác phẩm; những mặt hạn chế và tác động tích cực của tác phẩm; cùng phần cuối là cách mình tiếp cận/đọc những quyển sách thuộc thể loại này.

Tác giả: Nguyên Phong (1)
Năm xuất bản: 2020
Công ty phát hành: First New – Trí Việt
Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Tổng Hợp TP.HCM

Số trang: 408
Genre: Philosophy, Spirituality
Rating: –/– (Mình không cho rating các quyển sách thuộc thể loại này)
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!

Những cơ duyên dẫn đến sự ra đời của “Muôn kiếp nhân sinh”:

Thomas là một doanh nhân nổi tiếng ở Mỹ, nhờ cơ duyên gặp gỡ tác giả Nguyên Phong (Giáo sư John Vu), ông quyết định chia sẻ với Nguyên Phong những trải nghiệm của chính ông trong tiền kiếp. Lúc đầu Nguyên Phong chỉ định giữ những câu chuyện cho riêng mình vì tính khó tin của nó, đặc biệt là trong thời đại này, khi khoa học ngày càng phát triển và đòi hỏi những chứng cứ cụ thể, rõ ràng. Sau khi được anh Nguyễn Văn Phước – người sáng lập công ty First New – tin tưởng và khích lệ, tác giả Nguyên Phong cùng Thomas đã cho ra đời tác phẩm “Muôn kiếp nhân sinh” với hy vọng một cánh bướm nhỏ có thể tạo ra một trận cuồng phong, cũng như giúp nhiều có thể người chiêm nghiệm, nhận ra và thay đổi. 

“Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về với thiện lương.”

Quyển sách được trình bày dưới góc nhìn và kể chuyện của Thomas, nhờ cơ duyên được gặp ông Krish – người tự xưng là bạn của Thomas ở những kiếp trước, ông lần lượt nhớ lại những kiếp sống trước đây của mình. Có khi là cư dân ở thời kì cuối của châu Atlantis, có khi là Pharaoh ở Ai Cập, nhưng ở mỗi kiếp ông đều được học những bài học khác nhau về các quy luật Vũ Trụ và tình yêu thương. 

“Bài học “lịch sử tái diễn” là một bi kịch lớn của con người. Vì không chịu học những bài học từ trước nên họ phạm đúng những lỗi lầm của tiền nhân. Tuy nhiên, không một bài học nào có thể dạy con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra. Tất cả mọi sự, mọi việc, mọi hậu quả, đều do chính họ gây ra chứ không phải do ai khác. Họ có thể trách trời, trách đất, và trách tất cả mọi người nhưng trách móc không thể làm cho họ vơi đi nỗi khổ. Chỉ có hiểu biết nguyên nhân thì họ mới học được rằng không có việc gì mà không để lại hậu quả. Do đó, trước khi hành động, con người phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.”

Dưới đây là những khái niệm, góc nhìn và giả thuyết được đề cập đến trong “Muôn kiếp nhân sinh”: 

  • Đề cập sơ lược về Căn thức và Tàng thức trong Phật Giáo
  • Đưa ra khái niệm Biệt nghiệp của cá nhân và Cộng nghiệp của quốc gia
  • Có 3 quy luật Vũ Trụ được nhắc đến trong “Muôn kiếp nhân sinh”: quy luật Luân Hồi, quy luật Nhân Quả và quy luật Chu Kỳ (Thành-Trụ-Hoại-Diệt) áp dụng không chỉ cho mọi quốc gia trên thế giới mà còn cho mọi nền văn minh và các hành tinh trong vũ trụ
  • Giả thuyết về tài năng của các thần đồng
  • Sự sụp đổ của nền văn minh Atlantis và Ai Cập cổ đại
  • Đặt ra các vấn đề sẽ đối mặt với sự phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai
  • Quan niệm “Vạn vật đồng nhất thể” của Ấn Độ giáo
  • Triết lí của Karma Yoga và bài học về hành động “vô sở cầu”
  • Ảnh hưởng của tình yêu đến quá trình tiến hoá của linh hồn
  • Đưa ra những triết lí của các triết gia khác về nguồn gốc của con người: con người đến từ đâu và sẽ đi về đâu?

Tiền Kiếp, Luân Hồi và Nhân Quả không còn là những khái niệm và chủ đề mới lạ, đó là 3 khái niệm quan trọng trong Phật Giáo, nhưng nếu không có niềm tin tôn giáo hay cảm thấy kinh Phật quá khô khan thì việc tiếp cận qua tiểu thuyết sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trên thế giới đã có nhiều người kể lại những câu chuyện tiền kiếp, đặc biệt là những quyển sách được viết lại từ các nhà thôi miên hồi quy dựa trên hàng ngàn ca thôi miên mà họ đã từng thực hiện như Dolores Cannon (Những người trông nom trái đất, Ba làn sóng tình nguyện và trái đất mới), Bruce Goldberg (Khám phá tiền kiếp và hậu kiếp), Michael Newton (Hành trình của linh hồn),… với mục đích ban đầu là đưa thân chủ vào trạng thái siêu thức để tìm nguyên nhân gốc rễ của các căn bệnh, nỗi sợ để chữa bệnh và trị liệu, nhưng đồng thời cũng từ đó họ phát hiện ra những câu chuyện khác vượt xa hiểu biết của con người. 

Những mặt hạn chế và tác động tích cực của tác phẩm:

Câu chuyện được viết như một thước phim sống động nên không gây nhàm chán. Sau khi đọc “Muôn kiếp nhân sinh” mình thật sự ngưỡng mộ lượng kiến thức uyên thâm của tác giả bởi lượng kiến thức đồ sộ được nhắc đến trong tác phẩm. Tuy nhiên nhiều dữ kiện không được trích nguồn tài liệu tham khảo cụ thể, dẫn đến việc quyển sách bị đánh giá là sáo rỗng và khó có tính thuyết phục, khiến độc giả cảm thấy hoang mang. Chính mình đôi lúc cũng cảm thấy như vậy. Nhưng nếu bỏ qua vấn đề đó thì mình khá thích thông điệp mà tác phẩm muốn truyền đạt: nuôi dưỡng lòng từ bi, tình yêu thương, hướng đến chân thiện mỹ, dẫu chỉ là việc nhỏ nhưng cũng có thể tạo ra những thay đổi tích cực và to lớn như hiệu ứng cánh bướm trong “thuyết Hỗn Độn”. Những góc nhìn và giả thuyết mới được đưa ra trong tác phẩm góp phần bổ sung thêm góc nhìn trong thế giới quan của mình, hình thành cho mình những suy nghĩ và góc nhìn tích cực hơn, cách nhìn nhận vấn đề cũng giảm nhẹ hơn rất nhiều. Và điều đáng nói nhất là giúp mình dễ dàng tiếp cận những tri thức tinh thần khác sau này, với mình mọi quyển sách triết học tinh thần, tôn giáo đều có khả năng này vì chúng đều hỗ trợ cho nhau.

“​Thường thì con người, khi hành động, ít ai nghĩ đến hậu quả, nhưng một khi hậu quả xảy đến thì họ nghĩ gì, làm gì? Họ oán hận, trách trời, trách đất, trách những người chung quanh hay ai đó đã gây ra những hậu quả đó? Có mấy ai biết chiêm nghiệm, tự trách và thay đổi chính mình không?”

“Tình thương là một thứ ai cũng có thể cho đi mà không bao giờ sợ phung phí.”

———————–

*Cách mình tiếp cận một quyển sách thuộc thể loại tôn giáo-triết học-tinh thần.

Tâm linh không phải là lý thuyết, mà là một hành trình. Nó không thể được chứng minh qua số liệu hay dẫn chứng cụ thể, mà là qua sự tự trải nghiệm. Với những gì chưa được chứng minh rõ ràng, ta gọi nó là giả thuyết. Mình đọc để biết thêm những giả thuyết mới, những góc nhìn mới, đọc để thỏa mãn trí tò mò của bản thân. Với một tâm thế không mong cầu hay tìm kiếm. Có như vậy thì mình mới không phán xét và không thất vọng khi những gì mình đọc trái ngược với hệ thống niềm tin hiện tại, hay không giải đáp được những thắc mắc của mình.

Để đọc một quyển sách thuộc thể loại tôn giáo-triết học-tinh thần bạn cần một cái đầu mở và làm mềm tư duy logic của bản thân. Bạn không nhất thiết phải tin hay nghe theo, bạn cũng không nên phản bác, bạn chỉ cần đọc, rồi để đó, đừng phán xét. Chỉ cần đọc, rồi để đó. Và quan trọng nhất là: “Đừng phán xét”. Vì đôi khi chính tri thức lại là thứ cản trở tri thức. Nếu bạn vẫn còn mang định kiến thì bạn sẽ dễ dàng dừng lại giữa chừng một cách rất nhanh chóng. Chẳng những vậy, nó còn có thể góp phần hình thành những định kiến sâu sắc khác, dẫn đến việc tự động chối bỏ những luồng tư tưởng và ý nghĩ tự phát sau này. Bạn cũng không nên bất chấp tin ngay một cách vô điều kiện, vì như vậy rất dễ dẫn đến mê tín dị đoan, thậm chí là tà đạo. Như mình nói ở trên, chỉ cần đọc thôi. Một lúc nào đó, có thể là ở những quyển sách khác, có thể là từ trải nghiệm tự thân, biết đâu những thứ bạn từng đọc đó bắt đầu liên kết với nhau, để cùng hình thành một điều gì đó, để cùng dẫn về về một nơi nào đó. Khi đó bạn có thể đi đến kết luận và lựa chọn niềm tin của mình cũng chưa muộn. Khi đó bạn cũng có nhiều góc nhìn hơn về những sự vật, sự việc trên thế gian này.

Vậy thì, làm thế nào để biết một niềm tin nào đó là đúng hay sai?
Trên thế giới có nhiều tôn giáo là vì thế, với mình các tôn giáo tuy dùng những khái niệm và cách nói khác nhau nhưng đều hướng con người trở về với bản tính lương thiện, tình yêu thương và cội nguồn. Các tôn giáo như những ngôn ngữ khác nhau, có người đọc hiểu ngôn ngữ này nhưng cũng có người thấy phù hợp với ngôn ngữ khác. Đó là tuỳ duyên, tuỳ căn cơ. Riêng với bản thân mình, an lạc và bình yên là kim chỉ nam để mình lựa chọn hệ thống niềm tin của bản thân.
Ví dụ như một số người tin vào Nghiệp Quả và Luân Hồi, một số người lại không tin. Mình lựa chọn tin, vì nó giải thích được nhiều vấn đề nan giải trong lòng mình, và vì nó giúp mình an lạc. Mình tin rằng mình luôn được bảo vệ, nhưng nếu vẫn có một vài chuyện không hay xảy ra với mình, đó là vì một phần nghiệp quả mình đã gây ra và mình phải trả, hoặc để phục vụ cho mục đích cao hơn như sự phát triển cá nhân, sự tôi rèn bản thân để phù hợp với những mong muốn của mình trong tương lai, hay những bài học (vẫn do chính mình lựa chọn) mà linh hồn mình phải trải qua để phát triển và tiến hoá. Đương nhiên mình không thể tự kiểm chứng, trừ việc chết đi. Nhưng khi nghĩ như vậy, mình nhìn mọi việc nhẹ nhàng hơn và bao dung hơn rất nhiều. ❤️

(1) Nguyên Phong – Giáo sư John Vu sinh năm 1950, là nhà khoa học nổi tiếng thế giới, đứng trong Top 10 những người sáng tạo nhất thế giới, đứng đầu là Bill Gates và Steve Jobs. Ngoài là nhà khoa học, Giáo sư John Vu còn có niềm quan tâm đặc biệt đến triết học và tôn giáo (đặc biệt là Phật Giáo), Giáo sư đã cho phóng tác nhiều tác phẩm tâm linh nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là “Hành trình về phương đông”.

0

Leave a Reply