NGÀN MẶT TRỜI RỰC RỠ
(NON-SPOIL)
Tác giả: Khaled Hosseini
Dịch giả: Nguyễn Thị Hương Thảo
Năm xuất bản: 2019 (xuất bản ở Hoa Kì vào 2007)
Nhà xuất bản: Văn Học
Công ty phát hành: Nhã Nam
Số trang: 522
Genre: Fiction, Historical Fiction, Contemporary
Rating: 5/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
CẢNH BÁO: Phía sau bìa sách của “Ngàn mặt trời rực rỡ” spoil gần hết truyện, bạn nên xem xét để tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc sách nhé!
Mình đọc quyển này với sự mong chờ rất lớn, vì mình luôn thấy những review tốt về nó. Và thật sự thì nó vượt qua cả những mong đợi của mình.
Tóm tắt:
“Ngàn mặt trời rực rỡ” của Khaled Hosseini viết về cuộc đời của Mariam và Laila, hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ khác nhau, có tuổi thơ, tư tưởng gần như trái ngược nhau, nhưng đều có chung một số phận – có mối quan hệ mật thiết với Rasheed, một người đàn ông độc đoán, gia trưởng và vũ phu. Quyển sách là một bức tranh toàn diện về thân phận của những người phụ nữ Afghanistan trước 2003 – trước khi quốc tế can thiệp đánh đuổi thành công quân Taliban, về số phận con người ở một đất nước đầy bom đạn và về những đau thương, mất mát.
Mariam là con của một trong những người giàu có nhất Herat thế nhưng cô phải sống với mẹ ở một túp lều tạm bợ, mỗi tuần chỉ được gặp bố một lần, cô nhìn những đứa trẻ khác được đến trường trong sự thèm khát, và từ harami, con hoang, luôn đi theo ám ảnh cô.
Laila sinh ra vào đúng ngày đảo chính và lớn lên ở chế độ cộng sản. Cô được đi học, được tiếp xúc với những tư tưởng tiến bộ, cô được sống trong tình yêu của bố, cô có bạn bè và cô có Tariq.
Hai số phận tưởng chừng như trái ngược nhau, lại hòa quyện vào nhau một cách kì lạ dưới tác động của chiến tranh và mất mát.
Bối cảnh
Câu truyện lấy bối cảnh từ những năm 196x-2003, dựa vào các sự kiện lịch sử có thật. Cuộc đời của Mariam và Laila gắn liền với những thay đổi, những thăng trầm của đất nước Afghanistan, nổi trội là từ 1973 – 2003: sự chiếm đóng của Liên bang Xô Viết và chủ nghĩa cộng sản, quân Hồi Giáo đánh đuổi được Xô Viết nhưng bắt đầu nội chiến đẫm máu-chiến tranh sắc tộc, quân Taliban giao chiến với lực lượng Chiến binh Hồi giáo và giành thắng lợi đồng thời áp đặt bộ luật Shari’a (được xem là một trong những bộ luật khắc nghiệt nhất trên thế giới), cuộc khủng bố tòa tháp đôi của Bin Laden buộc Mỹ phải tuyên chiến với Afghanistan, lực lượng liên minh đẩy lùi quân Taliban và nâng cao nhân quyền cho người dân.
Bạn sẽ tìm thấy gì trong “Ngàn mặt trời rực rỡ”?
Câu trả lời là rất nhiều số phận: Những người mẹ đánh mất tiếng cười của mình vì những đứa con đã mất trong chiến tranh; những người cha phải chạy lên chạy xuống nhặt từng phần xác của con mình vì những quả bom lạc đạn, những gia đình phải rời bỏ quê hương, nhà cửa để đi tị nạn; những con người vì có chiến tranh mà hối hận, nhưng sự hối lỗi ấy đã quá muộn màng; những con người với bao ước mơ còn dang dở cùng những tình yêu vì chiến tranh mà bị chia cắt; nhưng đâu đó vẫn luôn tồn tại những con người với ý chí sinh tồn mãnh liệt; những con người đầy vị tha và bao dung; những con người với trái tim ấm áp, tỏa sáng như ngàn mặt trời rực rỡ; những con người sau khi bị đất nước cướp đi người thân, vẫn muốn quay lại cống hiến cho đất nước và những con người tràn đầy hy vọng về tương lai..
Thế nhưng tất cả họ đều có hai điểm chung: một là những cột mốc trong cuộc đời đều được đánh dấu bằng sự chết chóc; hai là bất chấp những điều đó, họ đều tiếp tục tiến lên phía trước.
“Laila phải tiến lên bởi vì cuối cùng thì cô đã hiểu đó là tất cả những gì cô có thể làm. Tiến lên và hy vọng.”
Đọc truyện này mình rút ra được một 1 bài học rằng: Số phận không đáng sợ, cam chịu số phận mới đáng sợ. Vì khi đó bạn đã kí một thỏa thuận ngầm với số phận, bạn cho phép nó tác động vào bạn mọi điều mà nó muốn. Và hơn hết, những người phụ nữ của tôi ơi, xin hãy yêu thương chính mình!
Lời văn
Một điều khiến mình khâm phục là khả năng dẫn dắt câu truyện rất tài tình của Hosseini, ông có thể đưa toàn bộ đất nước Afghanistan vào cuộc đời của hai người phụ nữ mà không làm gãy mạch truyện.
Một khả năng khác của Hosseini là với một câu chuyện chưa xảy ra ông có thể gây tò mò cho bạn bằng một tiết lộ nhỏ, còn với một câu chuyện đã qua, ông vẫn có thể lật lại cảm xúc của bạn, thậm chí khuấy động nó. Lời văn rất hay, bản dịch rất mướt, đặc biệt là phần miêu tả cảnh, lời văn dễ dàng đưa mình vào thế giới đó, như mình đang theo dõi từng bước chân, từng mạch cảm xúc trong từng giai đoạn cuộc đời của Mariam và Laila. Chỉ cần nhắm mắt lại mình cũng có thể tưởng tượng được khung cảnh yên bình và vui tươi, nhưng với những đoạn bi thương thì từng câu chữ như khứa vào lòng mình vậy, Hosseini có khả năng gây sát thương chỉ bằng những chi tiết nhỏ, những câu thoại ngắn gọn. Mình cảm giác như mọi câu văn đều được ông chăm chút rất kĩ, mình thật sự mê đắm lời văn của Hosseini, nên mình chắc chắn sẽ mua hết mọi tác phẩm của ông.
—————————————
Quá trình đọc quyển sách này thật nặng nề với mình, khi thấy những người phụ nữ khác từng bị đối xử như vậy và ở đâu đó họ vẫn bị đối xử như vậy. Bộ luật Shari’a làm mình sốc lắm:
“Phụ nữ cần phải chú ý:
Luôn luôn ở trong nhà. Không được đi lang thang không có mục đích ở trên đường. Nếu đi ra ngoài phải đi cùng một nam giới có quan hệ họ hàng. Nếu bị bắt gặp đi một mình trên phố sẽ bị đánh đòn và bắt đưa về nhà.
Trong bất kì trường hợp nào phụ nữ đều không được để lộ khuôn mặt của mình. Phải mặt burqa khi đi ra ngoài. Nếu không sẽ bị đánh thật nặng.
Không được nói nếu người khác chưa nói với mình.
Không được nhìn vào mắt đàn ông.
Không được cười ở nơi công cộng.
Nghiêm cấm trẻ em gái đến trường.
Nghiêm cấm phụ nữ đi làm…”
Thế nhưng sau khi gấp sách lại, những cảm giác tiêu cực đó đã bị đẩy lùi đôi chút bởi ngàn tia sáng tỏa ra từ trái tim ấm áp và bao dung của Mariam, từ sự quật cường của Laila, như ngàn mặt trời rực rỡ.
ĐỌC THÊM:
PHÂN TÍCH NHÂN VẬT – CẢNH BÁO SPOIL
Một điều nữa khiến mình khâm phục Khaled Hosseini là cách ông xây dựng nhân vật. Mỗi nhân vật trong Ngàn mặt trời rực rỡ đều đại diện cho một nhóm người, và mang hình ảnh biểu tượng riêng.
Mariam: đại diện cho đại đa số phụ nữ ở Afghanistan, thoạt đầu là chấp nhận số phận, sau đó là vùng vẫy thoát khỏi số phận, nhưng nổi bật hơn cả là sự bao dung, ấm áp và tình yêu thương vô bờ bến. Đúng như tên mình là Hoa huệ, cô lặng lẽ tỏa hương thơm ngát, nhưng khi đã có mục tiêu cô sẽ luôn sẵn sàng đứng lên chiến đấu chẳng hề sợ hãi.
Sau khi mẹ Mariam mất, cô ám ảnh với việc mình là một đứa con hoang, cô dần chấp nhận những điều tiêu cực mẹ đã nói với cô, dần chấp nhận việc mình là một điều hổ thẹn của bố Jalil. Dần dần cô thấy thoải mái với tấm che mặt đó, cô cảm thấy thật dễ chịu khi chỉ nhìn thấy mọi người từ một chiều, khi mọi người không nhìn cô với đôi mắt ác cảm vì cô là con hoang. Lúc Rasheed tiếp đãi bạn của ông, cô phải ở tầng trên và khoá cửa lại, nhưng cô lại thấy thật hãnh diện vì cô nghĩ rằng Rasheed đang bảo vệ cô, giữ gìn danh dự và phẩm giá của cô. Phải chăng ngoài luật lệ, chính những người phụ nữ Afghanistan cũng từng nghĩ như vậy, nên suốt một thời gian dài họ đã không đứng lên phản kháng?
Ấn tượng lần đầu tiên Laila gặp Mariam là khuôn mặt cam chịu và chấp nhận số phận, của những nỗi đau được che giấu, ta có thể thấy được sự tuyệt vọng cùng cực của Mariam qua câu:
“Đó là một cuộc sống không có tương lai. Quá khứ chỉ mang một thông điệp duy nhất: tình yêu là một sai lầm nguy hại, và đồng phạm của nó, hy vọng, là một ảo ảnh lừa dối”. – Mariam
Laila: đại diện cho một bộ phận phụ nữ với tư tưởng cấp tiến lúc bấy giờ, sự can đảm, quật cường, niềm tin và hy vọng.
Vì Aziza, Laila chấp nhận hy sinh bản thân mình, để làm vợ của một người đáng tuổi ông mình. Bất chấp hậu quả kinh khủng có thể nhận lấy, Laila vẫn quyết tâm bỏ trốn, thoát khỏi số phận. Laila đã phải ăn tát, ăn đấm vì một mình ra ngoài đến thăm Aziza, hơn một nửa số lần cô phải quay về, thê nhưng những trận đòn roi cũng không thể cản bước chân cô. Sau khi lực lượng liên minh đẩy lùi Taliban ra khỏi đất nước, bất chấp quá khứ khổ đau, Laila vẫn muốn quay về Kabul vì bố mẹ cô, để cống hiến, để bố mẹ cô nhìn thấy một Afghanistan tự do qua đôi mắt cô, và vì Mariam, cô không muốn Mariam phải hy sinh chỉ để cô làm người hầu ở Murree, Pakistan.
Rasheed: đại diện cho những người nam độc đoán, gia trưởng, và hơn cả là đạo luật Hồi giáo bảo thủ khắt khe với phụ nữ.
Rasheed có tính khí thất thường, giải quyết tranh cãi bằng bạo lực, luôn tìm những lỗi nhỏ nhặt để nổi điên với vợ. Ông bắt Mariam cảm ơn khi ông ta làm được điều gì đó cho cô, không cho cô khóc vì ông ta ghét tiếng phụ nữ khóc, không lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của cô. Rasheed cảm thấy xấu hổ khi một người đàn ông không còn kiểm soát vợ mình, việc để vợ ra đường không bịt mặt, việc vợ nhìn trực tiếp người đàn ông khác để nói chuyện đối với ông mà nói là sự huỷ hoại danh dự của một người đàn ông. Thoạt đầu ông cư xử khá tốt với Mariam, nhưng sau khi Mariam hư thai, cách cư xử và thái độ của ông dần thay đổi. Ông cáu bẩn và giận Mariam vì cho rằng mọi tội lỗi đều thuộc về cô. Ông luôn khinh thường và cười nhạo Mariam “đầu óc cô rỗng tuếch. Không có gì trong đó cả”.
Ông cho rằng việc cưới Laila là hợp pháp hoá việc cô ở nhà ông, khi cô chỉ mới 14 còn ông đã hơn 60, ông ta thậm chí cho rằng mình đáng nhận huy chương vì quyết định nhân đạo đó, ban cho Laila nơi để ở, một người chồng. Thậm chí ông ta còn có thể ghê tởm hơn nữa. Nếu bạn chưa đọc, hãy đọc để biết. Nếu bạn đã đọc rồi, hẳn bạn đã biết mình muốn nói đến điều gì.
Tariq: trái ngược với Rasheed, anh đại diện cho người đàn ông ấm áp, chung thủy và tôn trọng phụ nữ.
Hakim (bố Laila): đại diện cho những người đàn ông tri thức, tôn trọng và đặt niềm tin vào phụ nữ, vào một đất nước thực sự phát triển, nơi mà người phụ nữ được trao cho cơ hội như đàn ông.
Ông không bắt vợ mình phải che mặt, ông đặt việc học hành của Laila chỉ sau sự an toàn của cô, “Bởi lẽ xã hội sẽ không thể phát triển nếu người phụ nữ không được đi học. Không thể phát triển, Laila ạ.” Những lời dạy của ông làm mình nhớ lại bố Atticus trong “Giết con chim nhại” (Harper Lee), nhưng thay vì là nạn phân biệt chủng tộc thì ở “Ngàn mặt trời rực rỡ” là những quan điểm, lời dạy về nạn phân biệt giới tính, xung đột sắc tộc.
“Các con biết đấy, một số thứ bố có thể dạy các con. Một số thứ các con có thể học từ sách vở. Nhưng có những thứ, sao nhỉ, các con chỉ có thể nhìn và cảm nhận.”
2 Comments
Dật Hanh
Cảm ơn những bài chia sẻ cảm nghĩ của bạn về những quyển sách mà bản thân mình cũng rất rất thích, mình là fan Keigo, Khaled Hosseini và series Quán mà bạn đã từng review! Chúc sức khỏe 🙂
January 12, 2021 at 09:51Yến Nhi
Xin lỗi bạn vì mình rep comment chậm thế này vì nửa năm qua bận quá không có thời gian chăm cho blog hic ? Comment của bạn truyền động lực đọc và review tiếp cho mình rất nhiều. Cảm ơn bạn nhiều lắm ạ! Tình hình dịch lại phức tạp, bạn và gia đình giữ gìn sức khỏe nha! <3
May 10, 2021 at 10:59