Quả táo thần kỳ của Kimura
(Non-spoil)
Ấn tượng đầu tiên của mình là bìa sách, một người đàn ông cười rất tươi với vẻ hiền lành, chất phác hiện rõ trên khuôn mặt. Kèm theo đó là một câu nói kì lạ, “Chắc vì tôi quá ngốc nên cây táo mới ra quả”, câu nói đó thật sự gây ấn tượng mạnh với mình. Đây là một bài review khá dài, vì mình có viết thêm một chút về những người tiên phong, và cái tâm phân biệt, ngoài ra mình còn kèm chú thích ở cuối trang cho bạn dễ hiểu hơn nữa.
Tác giả: Takuji Ishikawa
Dịch giả: Quỳnh Nga
Năm xuất bản: 2017
Công ty phát hành: Thái Hà
Nhà xuất bản: Công Thương
Số trang: 279
Genre: Non-fiction, Agriculture, Japanese Literature, Health
Rating: 4/5
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
Có một nhà hàng Nhật Bản luôn được đặt kín chỗ trước nửa năm, chỉ bán một món duy nhất, đó là “Súp táo Kimura”.
Chẳng những quả táo đó có thể bảo quản hơn 2 năm không hư hại, khi đã xẻ ra cũng không chuyển màu mà vẫn có hương thơm đặc trưng. Nhưng phía sau đó là câu chuyện chứa đầy những giọt mồ hôi và nước mắt của ông Kimura, ngụ tại tỉnh Aomori, Nhật Bản.
“Tôi cũng hay được người ta hỏi như thế nhưng bản thân tôi cũng không biết nữa. Chắc là thấy tôi ngốc nghếch quá thể nên cây táo nó cũng sốc quá mà cho quả.” – Kimura
Tóm tắt:
“Quả táo thần kỳ của Kimura” kể về về hành trình 8 năm trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón của ông Akinori Kimura, cùng những khó khăn, gian khổ, nỗi ám ảnh, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của ông. Từ đó gợi lên những triết lí đẹp về cuộc sống, sự kỳ diệu của thiên nhiên, cũng như sức mạnh về ý chí của con người.
Thời gian ông bắt tay vào trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là khoảng năm 1980, lúc thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng phổ biến ở Nhật và vẫn chưa có nhiều cảnh báo về việc an toàn cho người sử dụng cũng như người tiêu thụ như bây giờ. Mỗi loài cây có một mức độ phụ thuộc riêng, nhưng đối với cây táo, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể nói là bất khả. So với ngày nay, một vài phát hiện của ông Kimura không còn mới lạ, nhưng tác dụng khích lệ ý chí của câu chuyện thì sẽ mãi tồn tại theo thời gian.
Trước đó Kimura vẫn sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vợ ông bị dị ứng nặng với thuốc và sau khi bất đắc dĩ mua phải quyển sách “Nông pháp tự nhiên” của Fukouka Masanobu [1], ông đã thay đổi hoàn toàn tư tưởng.
Có thể nói, từ đó việc trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trở thành ước mơ của Kimura, và đồng thời cũng là nỗi ám ảnh và bản Công Án của ông. Nhìn vào vườn táo của Kimura, hẳn mọi người sẽ nghĩ người chủ vườn này thật lười biếng, cỏ mọc đến cao đến ngực vẫn không cắt xén, mảnh vườn ông nổi bật hơn hẳn khi nằm giữa các vườn táo xum xuê khác bởi nó hoang vu và xơ xác. Thế nhưng ông lại là người chăm sóc cây táo cẩn thận hơn hẳn những người khác , ông ở vườn táo từ sáng đến tối, khi thì bắt sâu, khi thì liên tục thử nghiệm các loại thực phẩm hằng ngày hòng xua đuổi sâu bệnh, từ 1 mảnh vườn rồi hết cả 4 mảnh vườn. Việc thử nghiệm trên nông nghiệp, đặc biệt là cây táo chỉ thu hoạch 1 năm một lần, đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài, việc thử nghiệm một thứ mà ông không chắc chắn, phải chăng là quá mạo hiểm? Vậy mà ông vẫn kiên trì không bỏ cuộc. Hết năm này sang năm khác ông lại tự nhủ với bản thân:
“Chỉ thêm một năm nữa thôi, cố gắng xem sao. Nếu bỏ cuộc ở đây, những khó nhọc từ trước tới nay sẽ trở thành vô ích.”
Sau 4 năm gia đình 7 người bắt đầu rơi vào cảnh sống cơ cực, ông ở vườn táo từ sáng đến tối, từ tối đến khuya ông lại đi làm thêm ở quán rượu, nhất quyết không từ bỏ ước mơ.
Từ câu chuyện trồng ra những quả táo thần kỳ của Kimura kết hợp cùng lời văn của Ishikawa, quyển sách đã cung cấp thêm những hiểu biết về thiên nhiên, nông nghiệp, đưa ra những triết lí đẹp về cuộc sống cùng những câu chuyện về lòng người. Toàn những vấn đề nhàm chán với đại đa số mọi người, thế nhưng dưới ngòi bút của Ishikawa, với mình quyển sách này không hề gây nhàm chán. Và bài học từ quả táo của Kimura sẽ mãi trường tồn với thời gian.
(ông Kimura với nụ cười hiền hậu bên vườn táo của mình – google ảnh)
Kẻ tiên phong – những con người cô độc
Với Kimura thì chuyện sâu bệnh cũng chẳng là gì so với con mắt của người đời. Bởi việc làm của ông thời đó được coi là quay lưng lại với những người nông dân khác, cả nhà ông bị người đời dèm pha, bị xem là lập dị, ngu ngốc, và thiếu đạo đức [2].
Là theo đuổi ước mơ hay vì một chút niềm tin mà cứ cố chấp, ích kỉ làm theo ý mình?
Là ý chí kiên quyết không bỏ cuộc hay bị giấc mơ ám ảnh đến mức điên rồ?
Để rồi kết quả là đưa cả gia đình vào cảnh nghèo túng, trong con mắt của mọi người thời đó, ông đúng là kẻ “phá gia chi tử”.
Mình không biết nếu mình cũng ở thời đó, khi mình chưa thấy trước được kết quả mình sẽ nghĩ gì. Nhưng có một điều rõ ràng đến mức không cần nhìn thấy, mà hiện rõ trong tâm trí của bất cứ ai đã từng chứng kiến những hành động của ông, đó là ý chí của Kimura. Có một thứ luôn cảm hóa được mình, một thứ có thể khiến mình sởn gai óc và cũng là thứ mà mình luôn tin vào, đó là ý chí của con người.
Bạn nghĩ ông kiên trì đến ngu ngốc? Nhưng trên đời này, có mấy ai dám ngu ngốc được như ông?
Galileo Galilei bị kết tội và cho là dị giáo khi ông kiên quyết bảo vệ thuyết nhật tâm. Khát vọng chế tạo máy bay bay trên bầu trời của anh em nhà Wright bị cho là ngu xuẩn và hoang đường. Mình chợt nhớ đến Roark trong “Suối nguồn” của Ayn Rand, những con người sống vì lý tưởng và niềm tin cá nhân, một mình quay lưng lại với số đông, thậm chí cả xã hội lúc bấy giờ, những con người như thế luôn bị ruồng bỏ, luôn bị phá hủy về mặt tinh thần, một số người bị tổn thương đến mức đổ gục xuống giữa chừng, một số người thì vẫn cứ âm thầm chiến đấu và kết quả là để lại những phát minh vĩ đại cho mai sau. Những con người như thế thường rất cô độc, bởi:
“Những lý lẽ trái ngược với quy tắc vật lý học hay báng bổ thần thánh có lẽ chỉ là lý do thêm thắt vào, còn trường hợp nào cũng có gốc rễ là nỗi sợ hãi mang tính bản năng của con người đối với những thay đổi.
Con người là sinh vật sợ hãi sự đổi thay.” – Ishikawa
Nhưng cũng bởi có những con người dám đi tiên phong đó, thế giới này mới một lần chịu một lần nhìn lại, để tiếp tục tiến lên.
“Được thế giới này chấp nhận hay không không phải vấn đề. Cái đó là việc thế giới quyết định. Bản thân mình đi con đường này là được. Sau đó ra sau thì ra.” – Quả táo thần kỳ của Kimura
Hệ thống niềm tin – ranh giới và sự phân biệt
Kimura đã nói thế này:
“Con người gọi tên là thiên địch hay sâu hại để tiện cho mình, nhưng con sâu róm ăn lá là động vật ăn cỏ nên nó có cái mặt rất hiền hòa. Những con thiên địch ăn những con sâu đó thì nó là động vật ăn thịt mà, nên có cái mặt hung ác là đương nhiên…Trong tự nhiên, không có sâu hại cũng chẳng có thiên địch. Kimura đã nhận ra chân lí tất nhiên ấy.
…Ngược lại, đến cả ranh giới giữa sinh vật và vật vô tri vô giác cũng mơ hồ. Đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời, rồi gió. Những thứ không mang sinh mệnh, rồi vi khuẩn hay vi sinh vật, côn trùng, rồi cỏ dại, từ cây ăn quả đến thú, sinh mệnh vạn vật đều liên quan đến nhau, tạo thành tự nhiên.”
Từ khi có ý thức chúng ta đã được dạy bằng cách liên tục lặp đi lặp lại rằng: đây là “sâu hại” phá mùa màng, đây là “thiên địch” có ích cho nông nghiệp, là bạn của nhà nông; đây là “động vật hoang dã” để bảo tồn, đây là “thú nuôi” để yêu thương, và đây là “động vật chăn nuôi” để ăn thịt,… đến mức chúng ta không còn nhìn chúng với bản chất vốn có của chúng nữa: rằng loài nào cũng muốn được sống, đều sợ hãi và muốn né tránh khổ đau. Tùy theo thời đại và địa lý, chúng ta được dạy rằng thế nào là đẹp, thế nào là xấu để rồi phán xét, chối bỏ người khác và tự chối bỏ bản thân, mà quên mất rằng cơ thể ta vốn đã hoàn hảo như nó vốn thế. Ở Mỹ vào những năm 1960, lúc nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra cực kì nặng nề, họ được dạy rằng những chủng tộc khác nhau với những đặc điểm sinh học khác nhau sẽ quyết định đến sự phát triển cá nhân từ đó dẫn đến phân biệt đối xử, mà quên mất rằng tất cả chúng ta đều là “người”. Cũng bởi vì phân chia, đặt ranh giới nên mới có phân biệt.
Trong Phật giáo, gọi là Tâm phân biệt (“Tâm Biết không tri thức khái niệm, không ngôn ngữ chế định, không phân biệt đối tượng này với đối tượng kia”) và Tâm không phân biệt ( “tâm biết có khái niệm, có ngôn ngữ chế định, có phân biệt đối tượng này với đối tượng kia”). Tương ứng trong Tâm lí học và Triết học gọi là Nhận biết cảm tính và Nhận biết lý tính. Và cũng chính vì có tâm phân biệt nên mới nãy sinh ra phiền não và khổ đau.
Và phải chăng cũng bởi có tâm phân biệt nên chúng ta mới tự tách mình ra khỏi thiên nhiên? Cho rằng bản thân và thiên nhiên là những sinh thể độc lập. Một khi chúng ta đã nhận thức được rằng mình cũng là một phần của thiên nhiên chúng ta sẽ bảo vệ nó như chính bản thân mình.
——————–
Quả táo của Kimura được gọi là “quả táo thần kỳ” không phải bởi nó được trồng bằng cách không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, mà bởi nó chứa đựng sự phát huy sức mạnh của một sinh mệnh trong một hệ sinh thái ràng buộc chặt chẽ và cân bằng, và bởi nó chứa đựng hương thơm của đất, hương thơm từ vạn vật. Hãy đọc để hiểu thêm về “sự thần kỳ” đó bạn nhé!
“Trở thành một kẻ ngốc nghếch cũng chẳng sao đâu. Trở thành một kẻ ngốc ấy, cứ thử làm thì sẽ biết, không phải việc đơn giản đâu… Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó, chắc chắn sẽ tình cờ gặp được câu trả lời.” – Kimura
Chú thích:
[1] Fukouka Masanobu là một nông dân và triết học gia Nhật Bản, ông là người đầu tiên đưa ra phương pháp “Nông nghiệp tự nhiên” (Natural Farming) – tức là không-làm-gì-cả, cho rằng mọi thứ nhân tạo đều là vô dụng, và bản thân tự nhiên đã là một hệ thống hoàn chỉnh. Từ đó mượn nông nghiệp để nói lên tư tưởng triết học, tư tưởng của tiên sinh là sự tiếp nối từ các tôn giáo, phủ nhận việc mong cầu hạnh phúc từ văn minh, hay còn gọi là ước vọng của con người.
“Văn minh phát triển theo phương hướng của phép cộng, rằng cứ thêm cái gì đó vào. Ngược lại, cứ lặp đi lặp lại phép trừ, con người sẽ hướng tới nền nông nghiệp lý tưởng cuối cùng là không làm gì cả.” – Fukouka Masanobu
Ở Việt Nam có 2 quyển sách của tiên sinh đã được xuất bản là: “Cuộc cách mạng của một cọng rơm” và “Gieo mầm trên sa mạc”.
[2] Với người nông dân Nhật Bản, người trồng táo lười biếng cũng đồng nghĩa với việc thiếu đạo đức. Thậm chí ở tỉnh Aomori của Kimura, chủ táo lười biếng không diệt sâu bệnh sẽ bị phạt tiền. Điều đó cũng đủ cho ta thấy Nhật Bản xem trọng đức tính cần cù siêng năng, trách nhiệm và nông nghiệp như thế nào.