Thập giác quán
(NON-SPOIL)
CẢNH BÁO: Một trong những chú thích của “Thập gián quán” có spoil một chi tiết cực kì đắt giá trong truyện “Thung lũng sợ hãi” (The Valley of Fear) – cuốn tiểu thuyết Sherlock Holmes thứ tư của Sir Arthur Conan Doyle. Nên nếu các bạn có ý định đọc 2 quyển này thì hãy đọc Sherlock Holmes trước nhé!
Tác giả: Yukito Ayatsuji
Dịch giả: Ngô Thị Vân
Năm xuất bản: 2016 (1987 ở Nhật)
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành: IPM
Số trang: 320
Genre: Fiction, Mystery Thriller, Crime, Japanese Literature
Rating: 3/5 (Nếu không tính đến việc spoil một truyện khác)
Xem cách mình cho rating tại đây để dễ hình dung hơn nhé!
Tóm tắt:
“Thập Giác Quán” là cuốn tiểu thuyết trinh thám cổ điển, lấy cảm hứng từ truyện “10 người da đen nhỏ” của “Nữ hoàng trinh thám” Agatha Christie. 7 sinh viên thuộc hội nghiên cứu tiểu thuyết trinh thám của trường Đại học K háo hức đến tham quan Giác đảo, 1 hòn đảo bỏ hoang, nơi từng xảy ra một vụ án mạng chưa được giải quyết vì vẫn còn nhiều nghi hoặc. Họ lưu trú 1 tuần trong một ngôi nhà hình thập giác do kiến trúc sư đã chết trong vụ án nửa năm trước xây lên, hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, sau đó từng người trở thành nạn nhân, tệ hơn là hung thủ có thể là một trong số những người bạn của mình.
Các chương của truyện được chia theo ngày và viết xen kẻ giữa đảo (nơi đang xảy ra án mạng) và đất liền (nơi đang lật lại vụ án tại Giác đảo nửa năm trước), 2 vụ án được lồng ghép vào nhau một cách khéo léo giúp độc giả dễ dàng theo dõi mạch truyện, vừa bổ sung cho nhau, vừa thành công trong việc tạo một lớp sương mờ trong tâm trí độc giả bằng việc liên tục đưa ra nhiều chi tiết mâu thuẫn, dẫn dắt người đọc đi đến những suy nghĩ đối nghịch nhau. Cho đến gần cuối tác phẩm, độc giả vẫn bị đánh lừa vì nghệ thuật sử dụng từ ngữ một cách khéo léo của tác giả. Cái hay nhất của Yukito Ayatsuji là việc cố tình sử dụng tên của những tác giả trinh thám Âu Mỹ nổi tiếng làm biệt danh cho các nhân vật thay vì sử dụng tên Nhật Bản của họ nên dễ nhớ hơn nhiều như Agatha, Orczy, Carr, Ellery, Poe, Van và Leroux.
Lý do mình đọc “Thập giác quán” là vì nó được đánh giá là “có cái kết khiến người đọc sững sờ nhất trong lịch sử tiểu thuyết trinh thám Nhật Bản”, có lẽ vì vậy nên mình đã hy vọng quá nhiều.
Tác phẩm rất ít đầu tư vào việc xây dựng tâm lí và tính cách nhân vật, nên có phần khó nhớ đó là ai khi tên họ được nhắc đến trong câu truyện. Cách thức giết người trong từng vụ án nhỏ khá đơn giản và có phần “may mắn”, nhưng mấu chốt ăn điểm của tác phẩm cũng như lí do khiến “Thập Giác Quán” được đánh giá cao là cách thức hung thủ hoàn thành cả bức tranh tổng thể của tội ác và cách thức đánh lừa độc giả một cách độc đáo của tác giả. Quả là khó ngờ tới, khi danh tính kẻ sát nhân được tiết lộ mình thật sự muốn đọc lại quyển sách một lần nữa để nhìn theo bước chân hung thủ trong suốt diễn biến của câu truyện, nhưng sau đó câu truyện được lật lại một lần nữa dưới góc nhìn của hung thủ nên không cần và cũng không có thám tử phá án, mình thật không thích cái kết này cho lắm, chưa kể còn chi tiết cái chai thủy tinh ở cuối truyện nữa chứ 😐 … Mặc dù cái kết bất ngờ nhưng với mình thì vẫn không đủ gỡ gạc cho cả câu truyện. Quyển sách khá ngắn và mình đọc hết chỉ trong vòng 1 ngày.
Nếu bạn là fan của tiểu thuyết trinh thám và đã đọc nhiều quyển giật gân thì theo mình quyển này vẫn chưa đủ thoả mãn lắm đâu. Nhưng trong truyện, nhân vật Ellery có nói thế này:
“Dù sẽ có người cho là tôi hoài cổ, nhưng tiểu thuyết trinh thám thực chất chỉ cần: một thám tử tài ba, một tòa nhà rộng lớn, những kẻ mờ ám sống trong đó, bi kịch đẫm máu, tội ác không tưởng, và những trò lừa có một không hai của kẻ giết người…”
Và có lẽ đó cũng là quan niệm của tác giả vì ông đã xây dựng câu truyện này dựa trên những yếu tố đó. Nếu bạn cũng có cùng quan niệm với Ellery và không quan tâm đến việc hình ảnh nhân vật mờ nhạt, sự may mắn trong thủ pháp gây án hay mới bước chân vào thế giới trinh thám thì hãy đọc thử “Thập giác quán” nhé, vì mình công nhận cái kết của nó bất ngờ lắm, và vì nó cũng ngắn mà :mrgreen:.
Xem thêm những tác phẩm trinh thám thú vị khác:
NGÀY MAI – Guillaume Musso
ÁC Ý – Higashino Keigo
PHÍA SAU NGHI CAN X – Higashino Keigo
BẠCH DẠ HÀNH – Higashino Keigo